Xử lý vi phạm đối với kiểu dáng công nghiệp
Câu hỏi: Chúng tôi là cơ sở sản xuất võng xếp A. Sản phẩm của chúng tôi đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và bằng độc quyền sáng chế. Gần đây chúng tôi phát hiện trên thị trường cũng xuất hiện các sản phẩm võng xếp của một doanh nghiệp B khác tương tự với sản phẩm của chúng tôi, vậy trong trường hợp này chúng tôi cần làm những biện pháp gì để ngăn chặn hành vi đó?
Trả lời:
Sản phẩm võng xếp có hình dáng bên ngoài được bảo hộ KDCN và cơ cấu được bảo hộ là sáng chế.
Theo quy định của Luật SHTT, hành vi sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với KDCN đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu được xem là hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Như vậy, để xem xét hành vi của doanh nghiệp B có phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và KDCN không, cần dựa trên các yếu tố sau:
- Đối với sáng chế: cần xem xét cơ cấu của sản phẩm: Nếu các dấu hiệu cấu thành cơ cấu sản phẩm võng xếp của doanh nghiệp B đều trùng hoặc tương đương với các dấu hiệu tương ứng cấu thành cơ cấu của sáng chế võng xếp của cơ sở A, hành vi của doanh nghiệp B được xem là hành vi vi phạm bằng độc quyền sáng chế.
- Đối với KDCN: Xem xét hình dáng bên ngoài của sản phẩm: nếu “Võng xếp” của doanh nghiệp B có kiểu dáng về cơ bản là bản sao, giống với sản phẩm cùng loại của cơ sở A thì đây là hành vi xâm phạm quyền đối với KDCN.
Khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền có thể thực hiện quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu các cơ quan thực thi xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa, nhập khẩu để phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi xuất, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền. Cụ thể như sau:
- Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính:
Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT, các tổ chức, cá nhân, chủ thể quyền đề nghị các cơ quan Thanh tra chuyên ngành hoặc các cơ quan như: (i) Thanh tra Khoa học và Công nghệ; (ii) Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (iii) Cơ quan Quản lý thị trường; (iv) Cảnh sát Kinh tế; và (v) Cơ quan Hải quan để được xử lý.
- Xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự:
Khi xảy ra tranh chấp quyền SHTT, chủ thể quyền SHTT có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố giải quyết. TAND có thẩm quyền có thể ra phán quyết buộc bên xâm phạm quyền SHTT phải thực hiện các việc sau:
- Chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Xin lỗi cải chính công khai;
- Thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Bồi thường thiệt hại;
- Tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại.
- Biện pháp hình sự được áp dụng đối với người nào có ý thực hiện các hành xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại.
Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý.
- Kiểm soát hàng hóa nhập khẩu liên quan đến SHTT:
Chủ thể quyền SHTT có quyền yêu cầu Cơ quan hải quan áp dụng biện pháp tạm dừng thủ tục hải quan đối với các hàng hóa xâm phạm quyền SHTT nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền SHTT thực hiện yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm.