Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Đăng ký bản quyền tác giả là một bước quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Thủ tục này không chỉ giúp khẳng định quyền sở hữu trí tuệ mà còn tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ các ý tưởng sáng tạo khỏi sự xâm phạm. SBLAW giới thiệu thủ tục đăng ký quyền tác giả quyền liên quan để Quý khách hàng tham khảo:
Tại sao cần đăng ký bản quyền tác giả
Vai trò của các sản phẩm trí tuệ trong cuộc sống không ngừng gia tăng, cùng với đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được nâng cao. Các chủ thể đã tích cực sử dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó có việc đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dưới đây là hướng dẫn thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2015 và Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giảm quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Nghị định), Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2018.
Việc thực hiện đúng quy trình đăng ký sẽ đảm bảo rằng tác phẩm của bạn được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.Quy trình đăng ký bản quyền tác giả bao gồm nhiều bước cụ thể, từ việc xác định thể loại tác phẩm cho đến chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn tại Cục Bản quyền tác giả.
Mỗi bước đều có những yêu cầu riêng, và việc tuân thủ chính xác sẽ giúp quá trình diễn ra thuận lợi hơn. Sau khi hồ sơ được nộp, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trong thời gian quy định.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Dưới đây là quy trình thủ tục đăng ký bản quyền tác giả và các quyền liên quan như sau:
Người nộp và cách thức nộp hồ sơ:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả; Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và Tổ chức phát sóng đăng ký quyền liên quan sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
(Xin đọc kỹ hướng dẫn ghi thông tin sau mỗi tờ khai.)
b) 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.
01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả, 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
Nơi tiếp nhận đăng ký, cấp lại, đổi Giấy chứng nhận
- Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội. ĐT: 024.38 234 304.
- Tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 028.39 308 086
- Tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. ĐT: 023.63 606 967
Các trường hợp cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận
Trường hợp cấp lại, đổi Giấy chứng nhận
- Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có nhu cầu xin cấp lại hoặc đổi Giấy chứng nhận thì nộp đơn nêu rõ lý do và nộp 01 hồ sơ theo quy định tại Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Cục Bản quyền tác giả cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất; đổi Giấy chứng nhận trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
Trường hợp hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận
- Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì Cục Bản quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đã cấp.
- Tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận trái với quy định của Luật này thì có quyền yêu cầu Cục Bản quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận.
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả
Mức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận được quy định cụ thể tại Thông tư 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả tại Việt Nam được quy định trong Thông tư 211/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Dưới đây là các mức phí cụ thể cho từng loại tác phẩm:
Mức phí đăng ký quyền tác giả
- 100.000 đồng: Áp dụng cho các tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng, bài phát biểu, tác phẩm báo chí, âm nhạc và nhiếp ảnh.
- 300.000 đồng: Áp dụng cho tác phẩm kiến trúc, bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ và bản vẽ liên quan đến địa hình hoặc công trình khoa học.
- 500.000 đồng: Áp dụng cho tác phẩm điện ảnh và tác phẩm sân khấu được định hình trên băng đĩa.
- 600.000 đồng: Áp dụng cho chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính.
Mức phí đăng ký quyền liên quan
- 200.000 đồng: Đối với bản ghi âm.
- 300.000 đồng: Đối với bản ghi hình.
- 500.000 đồng: Đối với chương trình phát sóng.
Lưu ý rằng mức thu này áp dụng cho lần đầu cấp Giấy chứng nhận; nếu xin cấp lại, mức thu sẽ chỉ bằng 50% mức thu lần đầu.
Kết luận, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả không chỉ là một hình thức pháp lý mà còn là một biện pháp thiết thực để bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân hoặc tổ chức. Việc sở hữu Giấy chứng nhận này giúp các tác giả yên tâm hơn trong việc phát triển sự nghiệp sáng tạo của mình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa các tác phẩm nghệ thuật và khoa học.